123b – Cựu kình ngư từng hai lần vô địch SEA Games, nay là VĐV 3 môn phối hợp Lâm Quang Nhật chia sẻ thú vị về động tác tay chính xác khi bơi sải.
Động tác tay khi bơi sải – Ảnh: SWIMSWAM
Học theo Sun Yang?
Tôi từng nhận được câu hỏi về kỹ thuật bơi sải (bơi tự do), khiến bản thân tôi cũng rất bất ngờ. Đó là khi bơi sải, động tác tay của mình nên tạo thành chữ S hay chữ L.
Tôi thấy bất ngờ vì bản thân nghĩ đây là một câu hỏi đáng lẽ ra rất nâng cao, ở trình độ VĐV chuyên nghiệp chưa chắc gì các bạn trẻ để ý tới, nhưng lại được hỏi bởi các anh chị bơi phong trào.
Khi ôm nước, tay của mình có xu hướng “vẽ” thành một nét của chữ L là đường thẳng. Nhưng lại có một luồng quan điểm là thay vì kéo thẳng tay thì hãy “vẽ” hình chữ S để ôm được lượng nước lớn hơn.
Nhật không biết chính xác luồng quan điểm về tay chữ S này bắt đầu từ đâu, nhưng Nhật đoán là từ kình ngư nổi tiếng Trung Quốc Sun Yang (Tôn Dương) vì Nhật có thời gian nghiên cứu Sun Yang rất kỹ và lâu.
Sun Yang có xu hướng hơi biến tấu động tác ôm nước, do đó mọi người cho rằng đó là tay vẽ ra chữ S và đó là kỹ thuật tối ưu nhất. Dĩ nhiên, vì Sun Yang đã vô địch thế giới nên anh làm cái gì thì nó đều là tốt nhất.
Nhưng với quan điểm của người dành cả tuổi trẻ để học theo Sun Yang và đã có cơ hội cùng thi đấu nhiều lần, Nhật tin rằng đó không phải là động tác tay chữ S, mà bạn chỉ xoay nhẹ cổ tay để động tác mượt và bỏ khoảng dừng giữa rướn và ôm thôi.
Kình ngư Sun Yang (Trung Quốc) thi đấu tại một giải bơi – Ảnh: REUTERS
Vì nghĩ đơn giản, tay ôm nước mà lượn qua lượn lại rồi nước đâu nữa mà ôm?
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến luồng kiến thức “tự phát” này là do các video YouTube quay lại. Người xem xem không kỹ, chưa thật sự hiểu về bản chất của bơi lội, mới tự “tạo” ra kiểu tay chữ S rồi các VĐV bơi phong trào lan truyền nhau.
Tập trung vào những kỹ thuật cơ bản
Thật ra kỹ thuật bơi hiện tại đã được chuẩn hóa. Rõ ràng kỹ thuật bơi lội có thay đổi theo thời gian để có thể tối ưu được tốc độ, nhưng theo tôi, chủ yếu ảnh hưởng lớn ở phân khúc thi đấu đỉnh cao.
Còn với mục tiêu bơi lội phong trào, tôi vẫn sẽ luôn khuyên mọi người làm tốt những kỹ thuật cơ bản trước, vậy là đã đủ khó và mất thời gian rồi. Làm tốt những kỹ thuật hiện hành thôi là đủ thi đấu các giải phong trào vui vẻ.
Hiện tại mặt bằng chung của bơi lội phong trào Việt Nam, làm được chuẩn ôm nước thẳng và hiệu quả, không lệch ra 2 bên, đã không nhiều người làm được. Còn “biến tấu” để xoay cổ tay, bản thân tôi còn chưa dám chỉ dạy các học viên của mình.
Kình ngư Lâm Quang Nhật – người từng hai lần vô địch SEA Games – Ảnh: FBNV
Học xoay cổ tay để động tác mượt và bỏ khoảng dừng giữa rướn có được không? Được và đúng là có hiệu quả. Nhưng đây là bước 11, bản thân người học bơi phải học 10 bước kia trước, thành thục và nhuần nhuyễn 10 bước đầu hiệu quả rồi mới học tới bước 11 được.
Chứ không phải đang ở số 3 mà bật cóc lên bước 11 và nghĩ đây là cách giúp mình bơi nhanh, đốt cháy giai đoạn. Không có đâu. Học bơi để di chuyển được dưới nước thì nhanh lắm, học bơi đúng và hiệu quả, có người tự bơi hơn 10 năm mà còn chưa làm tốt những thứ cơ bản, đó là chuyện bình thường.
Học hỏi, tham khảo kiến thức là tốt. Nhưng Nhật tin là học kỹ, hiểu sâu sẽ tự giúp bản thân mình tỉnh táo trước nhiều ý kiến lạ trên mạng xã hội.
Cựu kình ngư nổi tiếng từng giành 2 HCV SEA Games, nay là vận động viên 3 môn phối hợp Lâm Quang Nhật đưa ra quan điểm thú vị về việc nên chọn kiểu bơi gì khi mới bắt đầu học bơi.